Nguồn gốc và mô tả Arii_Matamoe

Paul Gauguin, khoảng năm 1891

Vào năm 1891, Gauguin đi thuyền đến Tahiti trong chuyến đi kéo dài hai tháng để mong được trải nghiệm một thiên đường hoang dã, khác xa với châu Âu phù phiếm nơi ông đang sống. Tuy nhiên, khi đến nơi, vị họa sĩ thất vọng tràn trề khi nhận hiện ra rằng Pape'ete, thủ phủ của Tahiti, đã bị những người châu Âu tây hóa nặng nề và đầy những phiền nhiễu xa hoa. Không thấy được sức sáng tạo nơi một thành phố như vậy, Gauguin quyết định chuyển đến ngôi làng Mataiea khuất bóng con người, một nơi gần Papeari. Chính tại đây, cảm hứng trác tuyệt từ mảnh đất Tahiti trỗi dậy trong ông, thôi thúc người họa sĩ tài ba nắm lấy chiếc cọ và cho ra đời hàng tá bức tranh.

Vào tháng 6 năm 1892, trong bức thư gửi cho bạn mình, Daniel de Monfreid, Gauguin thổ lộ: "Tôi vừa hoàn thành một tác phẩm với cái đầu của một người Kanak [trên Đảo Thái Bình Dương] bị cắt đứt, bố trí nó độc đáo trên một chiếc đệm trắng, trong một cung điện do tôi phát minh và được bảo vệ bởi những người phụ nữ xuất phát từ óc tưởng tượng của tôi".[1] Cảm hứng của ông đến từ cái chết của Pōmare V không lâu sau khi Gauguin đặt chân tới đây, cũng như từ lần chứng kiến một vụ hành quyết công khai bằng máy chém vài năm trước đó, cả hai ký ức ghép nối với nhau để cho ra tuyệt tác để đời.[1] Sau này, viết trong một cuốn sách được biên soạn sau khi Gauguin ở lại Tahiti và xuất bản lần đầu năm 1901 có tên là Noa Noa (ca), trong đó bao gồm một bức ảnh chụp tác phẩm Arii Matamoe, ông khẳng định rằng cái chết của vị quân chủ cuối cùng ở Tahiti chính là một phép ẩn dụ cho quá trình suy tàn của văn hóa Tahiti bản địa, đánh dấu sự lên ngôi của một nền văn hóa đậm chất châu Âu. Theo đó, vị vua Pōmare V bị mẫu quốc Pháp làm áp lực buộc phải thoái vị vào năm 1880. Sau đó, ông sống vật vờ và lay lắt với chứng nghiện rượu. Không hề có chuyện cựu vương này bị chặt đầu cũng như bị đưa ra pháp trường hay cái gì đó tương tự.[3] Những nghi thức như vậy vốn không phổ biến trong dòng chảy lịch sử, văn hóa ngàn đời ở Tahiti.[2]

Trong Arii Matamoe, Gauguin thể hiện sự nhạy cảm cuồng si của mình bằng sắc tông từ tím, nâu nhạt đến màu vàng, màu đỏ rồi màu hồng rạng rỡ.[1] Những phẩm chất tinh tú mộc mạc, lạ kỳ nơi "cung điện" tưởng tượng của Gauguin trở nên chói lóa bởi mối lương duyên giữa người nghệ sĩ với tấm vải thô, vải bố dành riêng cho bức tranh. Chiếc đầu bị chặt nằm bất động trên chiếc bàn thấp bày đĩa phục vụ, hòa quyện với một chút máu tươi, được tô điểm bằng dáng hình một người phụ nữ khỏa thân cúi đầu trong tuyệt vọng. Bên ngoài căn phòng, một kẻ nào đó đang cố gắng thông báo cho nhiều người hơn về cái chết của người đàn ông. Ở phía trong, nổi bật hơn cả là các mẫu vật có hình dạng Tiki cùng một vài họa tiết mang đường nét hình học.[4] Với sự pha trộn độc đáo giữa chất phương Đông với chất phương Tây, Gauguin đã kết hợp một cách tài tình các hình tượng của Tahiti, Java với văn hóa Pháp và Peru, tạo thành một hỗn hợp đầy thi vị phong phú, như cái cách mà học giả Gauguin Elizabeth Childs đã nhận xét về Gauguin, rằng vị họa sĩ "đặc biệt thích thú với việc khẳng định mình trên thị trường nghệ thuật Paris".[2]

Arii Matamoe, ảnh phóng đại của bức tranh

Trong ngôn ngữ Tahiti, các từ "ARii" (có nghĩa là "quý tộc" hoặc "hoàng gia", giống một danh từ của người Hawaii bản địa là ali'i) và "MATAMOE" (mang nghĩa "đôi mắt ngủ". Trong bối cảnh này, nó có nghĩa là cái chết) được viết ở gần góc trái phía trên chỗ đặt chiếc đầu,[1] ám chỉ những hình tượng xuất hiện giai đoạn gần đây trong các tác phẩm hội họa châu Âu như Gioan BaptixitaOrpheus. Ngoài ra, cụm từ "ARii MATAMOE" còn được viết bằng chữ in hoa sắc nét, hao hao giống cụm từ Latin "ET IN ARCADIO EGO" trong các bức tranh của Poussin, như một sự tương đồng đáng kinh ngạc về cái chết của họ.[4]

Người phụ trách bảo tàng nơi lưu giữ bức tranh, ông Scott C. Allan lập luận rằng Arii Matamoe vừa là "chân dung tự vẽ tượng trưng" vừa là "tác phẩm tự thần thoại hóa". Tất cả đều tập trung dưới một mục đích duy nhất đó là tôn sùng những ảo mộng của Gauguin về sự ghẻ lạnh trong văn hóa và việc tử đạo đồng thời gợi ý về sự cứu chuộc và tái sinh.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Arii_Matamoe http://articles.latimes.com/2008/mar/12/entertainm... http://www.getty.edu/art/collection/objects/243174... http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1042892 http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5786022b http://www.lefigaro.fr/culture/2008/03/26/03004-20... //www.jstor.org/stable/41413133 https://www.nytimes.com/2008/03/12/arts/design/12g... https://web.archive.org/web/20151221162807/http://... https://web.archive.org/web/20210113000800/https:/... https://web.archive.org/web/20210113000802/http://...